Chuyện lạ nước sạch ở Nam Định: Kết quả kiểm nghiệm khẳng định nước không đạt chuẩn, lãnh đạo xã kêu thiếu tiền nâng cấp

Chuyện lạ nước sạch ở Nam Định: Kết quả kiểm nghiệm khẳng định nước không đạt chuẩn, lãnh đạo xã kêu thiếu tiền nâng cấp

GĐXH – Kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm nước sạch Nam Định về nhà máy nước sạch xã Yên Chính có chỉ số độ đục vượt ngưỡng cho phép.

Không nâng cấp nhà máy vì thiếu tiền?

Liên quan đến việc nước sạch thiếu vệ sinh, trong quá trình phóng viên làm việc với ông Phạm Trần Lý – Chủ tịch UBND xã Yên Chính tiếp tục tiết lộ những điều bất ngờ về nhà máy nước sạch.

Vấn đề nước không đảm bảo vệ sinh nhưng chưa có hướng khắc phục, ông Phạm Trần Lý – Chủ tịch UBND xã Yên Chính cho hay: “Năm 2021, sau khi chúng tôi kiện toàn bộ máy, nhận thấy nhà máy nước không đủ cấp, nguồn mặt nước sông Thiên Phái bị ô nhiễm, do vậy xã đã có tờ trình đề nghị các cấp thẩm quyền chuyển giao nhà máy nước và được đấu nối sử dụng nước của Công ty nước sạch Nam Định.

Một góc bên trong nhà máy nước – (ảnh cắt từ clip).

Tuy nhiên, vào thời điểm xây dựng, nhà máy nước sạch Yên Chính được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt chủ trương đầu tư có phần hạng mục sử dụng ngân sách nhà nước. Do vậy, chuyển giao nhà máy cho Công ty CP nước sạch Nam Định là không được phép.

Gần đây nhất vào tháng 6/2023, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan có dự thảo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 43 về chuyển giao tài sản công. Hiện tại chúng tôi vẫn đang chờ đợi”.

Lý giải về việc thu tiền dân mà không nâng cấp nhà máy, vị Chủ tịch xã cho hay: “Số tiền thu là thu xây dựng công trình, mức giá tùy theo từng năm (như chúng tôi đã phản ánh – PV). Chúng tôi và người dân muốn nâng cấp, xây dựng nhà máy nhưng xã không có tiền.

Nhà máy nước sạch Yên Chính sử dụng một phần ngân sách Nhà nước. Vì vậy, số tiền hiện nay người dân nộp là để bù vào các khoản trước kia ngân sách địa phương đã đầu tư”.

Nhiều kênh mương ở cánh đồng thông với sông Mỹ Đô tràn ngập vỏ thuốc bảo vệ thực vật, đa số là thuốc diệt cỏ, trừ sâu,…

Tiền thu chỉ đủ để chi

Về số tiền thu 7.000 đồng/m3 nước, đại diện xã Yên Chính cho biết, mức thu là dựa trên giá nước của tỉnh Nam Định, tùy theo khu vực. Với mức thu này, xã Yên Chính có thông qua Hội đồng Nhân dân xã.

Đại diện xã này nói thêm, nhà máy nước sạch Yên Chính không hạch toán lỗ, lãi mà chỉ đảm bảo thu, chi. Số tiền thu xây dựng công trình của các hộ dân xã Yên Chính có xuất hóa đơn. Ban đầu UBND xã Yên Chính thu có hóa đơn in, sau đó hạch toán thuế thì có VAT. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cung cấp thì ông Lý nói: “Đồng chí kế toán đang ốm và xin nghỉ mấy hôm nay”.

Phóng viên có ngỏ lời sẽ quay lại vào những ngày hôm sau để tiếp cận các giấy tờ, thế nhưng ông Lý nói: “Cũng không biết khi nào kế toán mới đi làm, hôm trước gọi thì bảo đang trên Hà Nội, bây giờ không biết ở đâu?”.

Người dân xã Yên Chính mong mỏi vến đề nước sạch sẽ sớm được giải quyết.

Chủ tịch xã Yên Chính cho biết:

Khi thấy người dân phản ánh, xã đã chỉ đạo công nhân nhà máy thay toàn bộ hệ thống lọc nước và tăng cường biện pháp vệ sinh. Ngày xưa, 1 tháng rửa một, hai lần thì bây giờ tăng lên, toàn bộ đều do nhân công nhà máy làm. Không dám thuê vì không cho người bên nào ra, vào trong tình trạng cửa đóng kín.

“Nhà máy nước Yên Chính 1 tháng thu khoảng 70 – 80 triệu đồng, 1 năm trên, dưới 1 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thu này sẽ chi vào tiền điện, hóa chất và nhân công lao động của nhà máy. Hiện nhà máy có 6 lao động, số tiền lương được trả sẽ tùy theo sản lượng từng người, có thể hơn 2 triệu đồng/1 người, cũng có thể hơn. Trung bình sẽ chi khoảng 15 triệu đồng tiền lương nhân công/tháng.

Số tiền tiền còn lại xã sẽ chi để mua hóa chất và tiền điện. Ước lượng, một tháng số tiền mua hóa chất gần 20 triệu đồng, cũng tùy theo sản lượng nước sản xuất. Với tiền điện 1 tháng nhà máy trả trên 20 triệu đồng, có đợt hơn 30 triệu/tháng. Còn lại số tiền còn lại dư thì sẽ báo cáo công khai vào cuối năm” – Chủ tịch UBND xã Yên Chính thông tin.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp chi tiết hơn việc thu chi, tài chính để làm rõ vấn đề nhà máy xuống cấp mà không được đầu tư, ông Lý nói: “Muốn biết số liệu cụ thể phải đợi kế toán mới được, giờ kế toán đang nghỉ ốm”.

Chủ tịch xã Yên Chính nói:

Nước đục vượt ngưỡng cho phép

Cũng theo ông Lý, hằng tháng phía Trung tâm kiểm nghiệm nước sạch Nam Định có lấy mẫu nước kiểm nghiệm. Gần đây, người dân phát hiện nước đục. Tuy nhiên, lãnh đạo xã cho biết không ảnh hưởng đến chất lượng… nước.

Vấn đề nước có bùn lắng ở đáy téc, Chủ tịch UBND xã Yên Chính cho rằng, nước bẩn là do nước sông bị ô nhiễm, công suất nhà máy thấp, téc không đáp ứng lượng nước nên mới có bùn lắng đọng.

Theo phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng nước số 144 của nhà máy nước sạch Yên Chính, lấy mẫu ngày 17/3/2023, thời gian thử từ ngày lấy mẫu đến ngày 20/5 do Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Nam Định thực hiện cho thấy kết quả độ đục vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể, mẫu nước tại bể chứa nước sạch thành phẩm của nhà máy, đựng mẫu bằng chai về độ đục mẫu này có kết quả 2,83 NTU (đơn vị đo độ đục). Giới hạn tối đa cho phép theo QCVN01-1:2018 BYT (Bộ Y tế) là 2 NTU. Như vậy, theo kết quả này thì độ đục đã vượt ngưỡng cho phép.

Phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng nước nhà máy nước sạch Yên Chính.

Tương tự, ở phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng nước số 263, ký hiệu mẫu 06.23.YC, mẫu lấy tại bể chứa nước nước sạch thành phẩm của nhà máy ngày 6/6/2023. Kết quả ngày công bố 16/6 cho thấy độ đục là 3,34 NTU/2 NTU (vượt ngưỡng cho phép). Ở kết quả này, độ đục vượt giới hạn tối đa cho phép lên đến 1,34, gần gấp đôi ngưỡng.

Bên cạnh đó, về màu sắc, kết quả kiểm nghiệm đạt chỉ số 12, mức tối đa cho phép là 15, ngưỡng này cũng gần chạm đến giới hạn. Đối với độ PH kết quả là 8,05/6,0-8,5 gần chạm ngưỡng, chỉ có 0,45 nữa là chạm mức quy định.

Theo một chuyên gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết:

Độ đục là đại lượng do hàm lượng chất lơ lửng trong nước, thường do sự hiện diện của chất cao, sét, tảo và vi sinh vật. Nước đục gây cảm giác khó chịu về mặt cảnh quan, ngoài ra còn có khả năng nhiễm vi sinh. Theo tiêu chuẩn (QCVN01-1:2018) quy định độ đục nhỏ hơn 5NTU (đơn vị đo độ đục), nhưng giới hạn tối đa của nước uống chỉ là 2NTU.

Có thể thấy, dựa theo QCVN01-1:2018 và kết quả thử nghiệm thì nước sạch Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định không đạt tiêu chuẩn, nhưng nước không đạt chuẩn bẩn vẫn bán cho người dân sử dụng?

Chuyên trang Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục phản ánh về các góc khuất về việc bơm nước bẩn cho dân sử dụng ở Nam Định trong các bài viết sau.

Trước đó, Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khoẻ và Đời sống) phản ánh: “Chuyện lạ về nước sạch ở Nam Định: Mất tiền mua nước sạch, người dân được ‘tặng’ thêm cả đống bùn; Chuyện lạ về nước sạch ở Nam Định: Biết nguồn nước ô nhiễm vẫn bán cho người dân?”. Ở hai bài viết này, chúng tôi đã đề cập đến trình trạng nhà máy nước sạch cung cấp nước không đảm bảo vệ sinh, các hộ dân thiếu nước trầm trọng và đặc biệt nguồn nước đầu vào nhà máy nước sạch Yên Chính bị ô nhiễm nặng.

Vấn đề nước có bùn lắng ở đáy téc, Chủ tịch UBND xã Yên Chính cho rằng, nước bẩn là do bị ô nhiễm, công suất nhà máy thấp, téc không đáp ứng lượng nước nên mới có bùn lắng đọng.

Xem thêm video liên quan đến sự việc:

Video: Chuyện lạ về nước sạch ở Nam Định: Biết nguồn nước ô nhiễm vẫn bán cho người dân?

Nhật Tân – Minh Anh

Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chuyen-la-nuoc-sach-o-nam-dinh-ket-qua-kiem-nghiem-khang-dinh-nuoc-khong-dat-chuan-lanh-dao-xa-keu-thieu-tien-nang-cap-172230725110141023.htm

By admins