10 năm nay mới dự báo một cơn siêu bão cường độ rất lớn như Yagi
Tính từ năm 2014, đến nay chúng ta mới theo dõi một cơn siêu bão có cường độ rất lớn như bão Yagi – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói.
Tại cuộc họp về ứng phó với bão số 3 (tên quốc tế Yagi) tổ chức chiều 4/9, tại Hà Nội, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đánh giá cao sự chủ động của các địa phương và các bộ ngành liên quan trong việc ứng phó, phòng chống bão.
Theo ông Hoan, tính từ năm 2014, đến nay chúng ta mới theo dõi một cơn siêu bão có cường độ rất lớn như bão Yagi.
“Ít có cơn bão nào mà các trung tâm dự báo quốc tế trùng khớp cả về phạm vi, cường độ, kịch bản hướng đi, tâm bão,… như cơn bão này”, ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị với cường độ và mức độ của cơn bão số 3, chúng ta cần phải “hành động không hối tiếc, chuẩn bị không hối tiếc”.
Ông Hoan đề nghị các địa phương cần chủ động ứng phó bão số 3, bởi không còn nhiều thời gian.
Các địa phương cần đưa ra các tình huống, kịch bản cụ thể để hạn chế rủi ro về tính mạng con người cũng như cơ sở kinh tế, hạ tầng.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: Hải Nam)
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần di dời bà con đến nơi an toàn khi cần thiết, nhất là các du khách ở đảo và người dân ở lồng bè.
Tùy theo kịch bản, nếu địa phương nào thấy cần thiết có thể cấm biển và thậm chí có thể cấm hoạt động liên quan đến đông người như họp chợ hay khai giảng,…
Đồng thời tích cực tăng cường truyền thông các kỹ năng trong việc chằng chống nhà cửa, tránh trú bão an toàn.
Đối với các kênh truyền hình quốc gia, ông Hoan đề nghị cần đưa ra các tiến độ cập nhật hàng ngày về việc người và phương tiện đã tránh trú bão an toàn để từ đó “lộ” ra những thiếu sót nhằm giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc.
Ông Hoan đánh giá, bão Yagi có thể tác động từ biển đến ven biển, vùng núi với phạm vi lớn từ Bắc Trung Bộ đến Nghệ An nên đòi hỏi tính chủ động của các địa phương.
“Mỗi người, mỗi cơ quan, ban ngành, địa phương đều chủ động và tự mình vạch ra rủi ro để đối phó”, ông Hoan nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá theo dự báo hiện nay, bão Yagi là cơn bão rất mạnh; đã rất lâu mới có một cơn bão mạnh như vậy với mức độ ảnh hưởng ở đất liền, trên biển và cả miền Bắc.
Theo ông Hiệp, khu vực bão đổ bộ là trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội nên nếu chủ quan thiệt hại sẽ rất lớn.
“Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là tam giác phát triển, toàn bộ vùng trọng điểm nông nghiệp miền Bắc cũng ở vùng này. Theo thống kê khoảng 20.000 lồng cá; gần 1 triệu hecta lúa mùa, đến thời điểm này một nửa đang trổ bông, chỉ cần mưa ngập 24 giờ sẽ hỏng. Vụ hè thu còn khoảng 15ha chưa thu hoạch, chưa nói đến lượng rau màu bà con chuẩn bị cho tết rất lớn.
Trong vùng này, nếu bão đổ bộ lo lắng lớn nhất là ngập úng ở cả đô thị, đồng bằng và sạt lở ở miền núi”, ông Hiệp nêu.
Thứ trưởng Hiệp đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cung cấp thông tin dự báo sớm nhất có thể.
Theo dự báo, đến 14h ngày 7/9, bão Yagi sẽ đổ bộ đất liền. Chính vì thế, bản tin 14h ngày 5/9 sẽ rất quan trọng trong việc quyết định phương hướng chỉ đạo cũng như lên các phương án ứng phó.
Ông Hiệp đánh giá, nếu bão Yagi ở cấp hiện tại (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4), sẽ lập Ban chỉ đạo tiền phương, tính toán các kịch bản và phân công các bộ, ngành, đơn vị để kiểm tra; nhưng nếu bão ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5 (cấp độ thảm họa), thẩm quyền sẽ cao hơn.
“Như báo cáo thì các tỉnh đang rất chủ động nhưng nhiều năm nay mới có một cơn bão lớn như vậy nên tôi đề nghị các tỉnh không chủ quan. Trước hết, làm thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản…”, ông Hiệp nói và cảnh báo các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng đứng trước nguy cơ ngập lụt nếu xảy ra mưa lớn.
https://dantri.com.vn/xa-hoi/10-nam-nay-moi-du-bao-mot-con-sieu-bao-cuong-do-rat-lon-nhu-yagi-20240904165255471.htm